"Tôi rất yêu tiếng Việt và cảm thấy các từ điển tiếng Việt hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu của người muốn tìm hiểu tiếng Việt như tôi. Mặt khác, nhận thấy từ điển Oxford Advanced Learner's Dictionary rất có ích cho người học tiếng Anh nên tôi ao ước tạo ra một từ điển tiếng Việt theo khuôn khổ đó để giải quyết một số mặt hạn chế của các từ điển hiện có như:
- Thiếu sự cập nhật. Những từ mới đang thịnh hành và những từ mang tính thời sự đa phần chưa xuất hiện trong từ điển. Điều này tạo nên cảm giác sai lầm là tiếng Việt không sinh động.
- Định nghĩa khó hiểu. Một số mục được định nghĩa không dễ hiểu lắm, còn lòng vòng. Như chủ nghĩa xã hội được định nghĩa là ""giai đoạn đầu, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản, theo chủ nghĩa Marx.""
- Định nghĩa có thể gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, có từ điển giải chữ gia là ""nhà"" (gia tộc, gia phả, gia đình, v.v.) nhưng định nghĩa như vậy có thể làm người học nói những câu như Gia tôi có 5 người. Một ví dụ khác: Tra nè thì được dẫn tới này. Tuy rằng chúng ta biết đây này là đây nè nhưng cái này không thể là cái nè.
- Không phản ánh cách dùng tiếng Việt khác biệt giữa các miền. Chẳng hạn, thìa và muỗng tuy đồng nghĩa nhau nhưng người Sài Gòn không ai nói thìa mặc dù nghe vẫn hiểu.
- Những cách dùng sai trong tiếng Việt không được ghi chú, nhắc nhở. Tại sao yếu điểm và điểm yếu cứ hay bị dùng lẫn lộn? Sự khác biệt giữa thu hồi và tịch thu? ái ngại và ngại ngùng?
- Chứa cả từ nước ngoài. Trước tình hình tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng đến mức đáng báo động, thiết nghĩ cần mạnh dạn loại bỏ những từ ngoại lai (chẳng hạn computer) ra khỏi từ điển tiếng Việt, bất kể sự phổ biến của chúng. (Không có lí do biến Từ điển Tiếng Việt thành Từ điển Anh-Việt.)
Tại sao dự án tên là 4.0? Nó thể hiện 4 cam kết sau:
- Dễ hiểu. Như Oxford, từ điển sẽ sử dụng (1) từ vựng đơn giản dùng để định nghĩa và (2) nhiều hình ảnh minh họa.
- Chi tiết. Thông tin về mục từ sẽ được ghi chú tỉ mỉ.
- Nhanh, gọn, tiện. Thông thường kết quả trả về mất dưới 30 giây.
- Cập nhật"